Chống chuyển giá doanh nghiệp FDI cần Kiểm toán Nhà nước vào cuộc

09:23 16-06-2020

VOV.VN - Chuyển giá không phải là vấn đề mới nhưng khá phức tạp, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, việc chuyển giá càng ngày càng tinh vi hơn.

Việt Nam cần xem việc ứng phó với chuyển giá là một cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ trên cơ sở pháp lý và bằng chứng thuyết phục. Việc xây dựng một lộ trình thích hợp để thực hiện quản lý Nhà nước về chuyển giá là rất cần thiết, bảo đảm hài hòa, cân đối lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp. Trong quá trình đấu tranh đó, vai trò của Kiểm toán Nhà nước là rất quan trọng, góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Tính đến tháng 3 năm nay, nước ta có hơn 31.600 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn 370 tỷ USD. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ trong thời gian qua là khá phổ biến. Trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”. Theo số liệu chính thức của cả nước được đưa ra, doanh nghiệp FDI chuyển giá chiếm 50%. Tại TPHCM, số doanh nghiệp chuyển giá chiếm 60%.


Chống chuyển giá doanh nghiệp FDI cần Kiểm toán Nhà nước vào cuộc. (Ảnh: KT)
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cung cấp thêm thông tin, tại tỉnh Lào Cai, 100% doanh nghiệp chuyển giá. Nhiều địa phương khác cũng trong tình trạng tương tự. Hiện tượng chuyển giá là vấn nạn toàn cầu, là thách thức của ngành thuế Việt Nam. Ngành kiểm toán cũng cần xem đây là trách nhiệm và là danh dự của mình.

“Chúng tôi cho rằng, cả ngành thuế và kiểm toán nhà nước cần tập trung năng lực, hiệu lực để nâng cao hiệu quả FDI, đặc biệt trong vấn đề chống chuyển giá. Đây là việc làm nhằm đảm bảo thu ngân sách, đảm bảo môi trường đầu tư, chống ô nhiễm môi trường và bảo vệ quyền lợi của người lao động” - TS. Nguyễn Minh Phong nói.

GS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, hàng loạt doanh nghiệp chuyển giá bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện và đề nghị truy thu thuế, điển hình là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Habeco), gần 5.000 tỷ đồng, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) trên 1.300 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán, thực hiện đối chiếu thuế của các doanh nghiệp FDI, hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp đa quốc gia thiết lập một hệ thống trung gian rất phức tạp. Việc chuyển giá thông qua hoạt động liên kết giữa công ty mẹ, bán hàng trong hệ thống với giá thấp hơn, thậm chí bán 2,3 vòng mới đến tay người tiêu dùng. Giá bán đó làm cho nghĩa vụ thuế, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt giảm đi, không phản ánh đúng nghĩa vụ của doanh nghiệp.

“Qua đối chiếu thuế, chúng tôi phát hiện ra một hình thức chuyển giá nữa là công ty FDI ở Việt Nam nhưng bán hàng công ty mẹ ở chính quốc giá thấp hơn giá thành. Chúng tôi sẽ phải chú trọng hơn vấn đề về công tác chuyên môn. Ví dụ, khi tiến hành xây dựng hướng dẫn, quy định trong ngành phải chi tiết, đầy đủ hơn về kỹ thuật để hướng dẫn cho kiểm toán viên trong quá trình kiểm toán liên quan đến vấn đề chống chuyển giá” - GS Đoàn Xuân Tiên nói.

Hiện nay, hoạt động chuyển giá trốn thuế của doanh nghiệp FDI rất phức tạp và tinh vi. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước cần thực hiện các cuộc Kiểm toán chuyên đề. Trước hết, cần nhận diện và phân loại doanh nghiệp FDI có hoạt động chuyển giá trốn thuế nhiều, các hình thức chuyển giá phổ biến gắn với từng loại hình doanh nghiệp. Cơ quan kiểm toán cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp lý có liên quan, quy trình thu hút FDI đã và đang thực hiện sẽ để phát hiện các lỗ hổng trong quá trình triển khai thực hiện. Việc thực hiện Kiểm toán chuyên đề này cần phải thực hiện định kỳ, có thể thực hiện hàng năm.

Ông Doãn Anh Thơ, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước khu vực 4 nêu ý kiến: “Đối với Kiểm toán Nhà nước, chúng tôi kiến nghị một số đề xuất. Thứ nhất, xây dựng quy trình hướng dẫn chống chuyển giá. Triển khai kiểm toán chuyên đề chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Muốn thực hiện được một cuộc kiểm toán chuyên đề độc lập về chống chuyển giá, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để thu thập được đầy đủ thông tin, giúp Kiểm toán Nhà nước xây dựng hoàn thiện cơ sở giữ liệu về doanh nghiệp FDI, xác định được chủ thể giao dịch chuyển giá”.

PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng bộ môn Kiểm toán, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc chuyển giá của doanh nghiệp FDI có thể được nhận diện qua những hiện tượng bất thường như: Doanh nghiệp kê khai lỗ trong nhiều năm, doanh nghiệp kê khai mức lợi nhuận thấp hơn so với mức trung bình của ngành. Một dấu hiệu khác là những doanh nghiệp này mua sắm rất nhiều dịch vụ trong nội bộ tập đoàn, phát sinh chi phí lớn như dịch vụ đào tạo, dịch vụ tư vấn quản trị.

Bởi vậy, nếu các doanh nghiệp liên doanh có phần vốn góp của Nhà nước có thực hiện hoạt động chuyển giá nghiêm trọng với các bên có quan hệ liên kết ở nước ngoài, Kiểm toán Nhà nước cần quan tâm thực hiện kiểm toán hoạt động chuyển giá này với mục đích đánh giá việc thực hiện pháp luật về thuế, phí của các doanh nghiệp FDI đối với Nhà nước.

“Tôi đề xuất công khai kết quả phát hiện hành vi chuyển giá để tạo áp lực xã hội. Các doanh nghiệp có hành vi chuyển giá có thể bị tẩy chay, vì vậy họ sẽ không dám thực hiện hành vi chuyển giá, như vậy sẽ có tác dụng ngăn ngừa”- PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa đề xuất.

Cách đây hơn 3 năm, Nghị định 20/2017 của Chính phủ được ban hành với mục tiêu chủ yếu là ngăn chặn hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định này đã phát sinh nhiều bất cập. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Bộ Tài chính đã Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 20 với việc bổ sung những nội dung cần thiết, luật hoá một số nguyên tắc cơ bản nhằm tăng cường quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác “chống chuyển giá”.

Trước tình trạng chuyển giá diễn ra phổ biến như hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu hoạt động chuyển giá có qui mô lớn, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cần tiến hành kiểm toán riêng hoạt động chuyển giá. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, một cuộc kiểm toán chuyển giá có thể kéo dài từ 1-3 năm, với rất nhiều thông tin yêu cầu doanh nghiệp phải chuẩn bị phục vụ cho cuộc kiểm toán.

Việc tăng cường hoạt động kiểm toán để phát hiện các vi phạm trong hoạt động chuyển giá sẽ có tác dụng ngăn ngừa các hành vi chuyển giá trong tương lai./.

https://vov.vn/kinh-te/chong-chuyen-gia-doanh-nghiep-fdi-can-kiem-toan-nha-nuoc-vao-cuoc-1060174.vov - theo vov.vn