Chặt hạ cây phượng đồng loạt là cực đoan
09:03 03-06-2020
VOV.VN - Một số đơn vị đã đốn bỏ cây phượng, các loại cây xanh khác cũng được cắt tỉa trơ cành để phòng ngừa tai họa.
Sau sự cố cây phượng bật gốc đè chết một học sinh và nhiều học sinh khác bị thương xảy ra tại trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TPHCM), những ngày qua nhiều công sở, trường học trên địa bàn TPHCM đã kiểm tra, rà soát và cắt tỉa cây xanh.
Cây phượng được dựng các trụ chắn ở trường THCS Lê Văn Tám, Quận 8, TPHCM.
Vội vàng
Những ngày gần đây, TPHCM liên tục có mưa lớn khiến nhiều trường học càng lo ngại đến an toàn của học sinh. Do đó, không khó để bắt gặp tiếng máy cưa gỗ inh ỏi của các thợ đang cắt tỉa cây xanh, nhất là 2 ngày cuối tuần. Nhiều người dân bức xúc cho rằng việc nhiều trường đốn bỏ cây phượng, tỉa cắt trơ trụi các cây khác là quá vội vàng, cực đoan.
Tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh ở Quận 10, mặc dù hôm nay là ngày thứ Ba, khi học sinh vẫn đến trường thì việc cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên trường cũng được tiến hành song song. Việc cắt tỉa cây ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy và trò trong hôm nay. Cổng chính của trường tạm đóng để phục vụ công tác thu dọn, vệ sinh khiến nhiều phụ huynh tập trung chen chúc nhau tại cổng sau để đón con em mình vào giờ tan tầm. Bà Nguyễn Thị Thơm cùng nhiều phụ huynh khác có con đang học tại đây hy vọng nhà trường chỉ cắt tỉa những tán cây chứ không đốn hạ hoàn toàn như nhiều trường khác, để đảm bảo bóng mát cho học sinh.
“Giờ thể dục hoặc ra chơi, sinh hoạt cũng cần bóng mát để các em chạy, chơi. Chứ nắng như ngoài này sao học sinh chịu nổi. Cưa là cưa ít thôi, cưa mé, tán ở trên bớt thôi, phải chừa lại một chút để có bóng mát để mấy đứa nhỏ tập thể dục. Chứ đừng cưa hết. Vì cưa hết trường nắng quá học sinh học sẽ không nổi”, bà Thơm nói.
Với đặc thù không có nhà đa năng, lâu nay giờ học môn giáo dục thể chất của các em học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10 gắn bó với sân trường rợp bóng của 11 cây cổ thụ các loại như: cây dầu, cây bàng, cây sọ khỉ, cây giá tỵ và cây phượng. Mỗi năm, nhà trường phải chi khoảng 20 triệu đồng để thuê công ty cây xanh kiểm tra, cắt tỉa, mé nhánh hai lần vào cuối tháng 3 trước mùa mưa và cuối tháng 8 trước ngày tựu trường. Trước nay, trách nhiệm quản lý cây xanh thuộc về nhà trường, nhưng quyết định đốn bỏ phải thông qua các đơn vị chuyên trách khác.
Từ sau sự việc đau lòng tại xảy ra tại trường THCS Bạch Đằng, Sở Xây dựng và Phòng Quản lý đô thị Quận 10 đã tiến hành khảo sát mảng cây xanh trong khuôn viên Trường THPT Nguyễn Du và yêu cầu nhà trường đốn gấp cây phượng, cây sọ khỉ bên cạnh cây giá tỵ, đồng thời xử lý cắt tỉa 3 cây bàng cổ thụ. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết, trường đã thuê đơn vị ngoài đốn hạ cây phượng, cắt tỉa các cây còn lại theo yêu cầu, khuyến cáo của cơ quan chức năng. Nhưng thay vì “diệt tận gốc” một cách cực đoan như nhiều trường khác thì trường quyết định giữ lại phần gốc cây phượng.
“Chúng tôi thấy tiếc quá nên để lại phần gốc hy vọng cây sẽ mọc ra. Còn không mọc ra, trường sẽ trồng phong lan hoặc bông giấy, quỳnh anh phủ lên trở lại để môi trường đẹp. Chứ nếu đốn mà bứng nguyên gốc lên thì xử lý rất tốn kém”, thầy Phú nói.
Một cây xanh trơ trụi trong khuôn viên một trường tiểu học ở Bình Thạnh.
Phần gốc cây phượng được trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) giữ lại.
Không nên vì một cây ngã đổ mà đi đốn toàn bộ
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Hứa Văn Sắc, người có hơn 30 năm gắn bó với cây xanh khi còn công tác ở Công ty Công viên cây xanh TPHCM cho biết, dù có nhiều kinh nghiệm đến mấy thì cũng không thể bằng mắt thường mà đoán bệnh cây. Bởi, hơn 30 năm trong nghề, ông Sắc cho biết ông từng gặp nhiều cây xanh tốt nhưng thực tế thân hoặc gốc lại mục ruỗng.
Vì thế, theo ông Sắc, ở đây chỉ có thể phòng ngừa bằng việc tỉa cành, mé nhánh thường xuyên và dự báo tình hình để có phương án xử lý. Tuy mới xảy ra sự việc đau lòng ở Trường THCS Bạch Đằng vừa qua, nhưng theo ông Sắc, việc các trường học giải quyết theo hướng “an toàn” là chặt hạ phần lớn cây xanh, nhất là cây phượng trong khuôn viên như thời gian qua là không nên. Trong bối cảnh mà mảng xanh ngày càng ít đi thì một sân trường vắng bóng cây xanh càng làm cho không gian thêm buồn. Với những cây trồng mới, ngoài cây phượng có thể trồng cây bàng hoặc cây viết…để đảm bảo an toàn hơn. Trước mắt, để an toàn, các trường có thể mé cành, tỉa nhánh và làm các trụ đỡ bằng sắt xung quanh cây cho phù hợp.
Những cây xanh chưa được kiểm tra, xử lý được quây hàng tránh học sinh lại gần.
Trong khi đó, ông Trần Viết Mỹ, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp TPHCM cho rằng dù có sự cố đáng tiếc nhưng cũng không nên vì thế mà chặt bỏ các cây phượng trong sân trường bởi đây là loại cây khá an toàn với nhiều địa điểm và gắn liền với tuổi học trò. Ông Mỹ phân tích, cây phượng là cây rễ cọc, thân gỗ khá chắc chắn, tán cây rộng cho bóng mát nhưng tuổi thọ không quá cao. Vấn đề là ở các đô thị lớn, sân trường thường lát xi măng nên hạn chế hoạt động của bộ rễ dẫn đến nguy cơ đổ. Vì thế, ông Trần Viết Mỹ đề nghị thay vì chặt hạ toàn bộ thì nên tính toán kỹ nơi nào thích hợp thì trồng và nên dành một khoảng đất phù hợp để cây phát triển, bên cạnh đó là những giải pháp như thường xuyên tỉa cành, mé nhánh.
"Điều sai ở đây là từ cách trồng, cách chăm sóc rồi bảo dưỡng hàng năm, định kỳ. Cho nên không nên vì một cây ngã đổ mà đi đốn toàn bộ hoặc tỉa quá mạnh chỉ còn cành trơ, không có gì thẩm mỹ cả", ông Mỹ nói.
Rõ ràng, trong bối cảnh mà TPHCM đang ngày càng thiếu mảng xanh thì tìm giải pháp làm sao để vừa đảm bảo an toàn trong trường học, vừa đảm bảo mảng xanh là nhiệm vụ quan trọng mà các trường và các ngành có liên quan cần tính toán./.
https://vov.vn/tin-24h/chat-ha-cay-phuong-dong-loat-la-cuc-doan-1055184.vov - theo vov.vn