Can thiệp vào Libya, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đang châm ngòi chiến tranh?

09:56 22-07-2020

VOV.VN - Cuộc xung đột ở Libya diễn biến phức tạp khi các lực lượng bên ngoài tham gia ngày càng nhiều và can thiệp ngày càng sâu vào quốc gia Bắc Phi này.

Thoạt nhìn, cuộc xung đột ở Libya giống như một cuộc chiến giữa 2 nhóm chính: Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) ở Tripoli của Thủ tướng Fayez al-Sarraj và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền đông Libya do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo. Tuy nhiên, trên thực tế, những rối ren ở quốc gia Bắc Phi này phức tạp hơn nhiều so với những căng thẳng bề mặt với các lực lượng khác nhau đang tham gia ngày càng nhiều và can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến.


Lực lượng của chính phủ Libya được Liên Hợp Quốc công nhận tiến về phía thành phố Sirte. Ảnh: Reuters

Xung đột không hồi kết ở Libya

Thủ tướng của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) Fayez al-Sarraj lên nắm quyền trong một thỏa thuận chính trị về Libya được Liên Hợp Quốc ủng hộ năm 2015. Tuy nhiên, một lực lượng đối lập đã được hình thành ở miền đông Libya, do Tướng Khalifa Haftar, 76 tuổi lãnh đạo. Liên minh của Tướng Haftar gồm lực lượng quân thường trực và dân quân, hay còn gọi là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã có được danh tiếng và tầm ảnh hưởng sau khi giành lại các thành phố Benghazi và Derna từ các nhóm phiến quân có liên hệ với al-Qaeda.

Tướng Haftar đã quyết tâm giành lại thủ đô Tripoli trong nhiều năm, sau khi nỗ lực đảo chính bất thành năm 2014 buộc ông phải xây dựng căn cứ ở phía đông. Liên Hợp Quốc, Mỹ và các nước khác hy vọng có thể dàn xếp các cuộc giao tranh ở Tripoli bằng cách đàm phán một thỏa thuận chính trị giữa 2 bên. Tuy nhiên, các cố vấn của Tướng Haftar không tin tưởng vào việc Thủ tướng Sarraj tuân thủ thỏa thuận chia sẻ quyền lực cũng như phàn nàn rằng, doanh thu dầu mỏ đã được phân chia không công bằng. Tướng Haftar nhận được sự ủng hộ từ các bộ lạc lớn ở phía đông trong khi chính phủ của Thủ tướng Sarraj được lực lượng dân quân ở Tripoli và lực lượng của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Osama al-Juwaili ở thành phố lân cận Misrata hậu thuẫn. Cả 2 bên cũng ngày càng tăng cường phụ thuộc vào các lực lượng từ bên ngoài.

Các quốc gia trong khu vực như Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) quyết định ủng hộ Tướng Haftar bởi vào thời điểm đó, cả 2 nước này đều cho rằng Tướng Haftar là một nhân vật quyền lực đáng tin có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng Libya, đồng thời phản đối một số đồng minh Hồi giáo của Thủ tướng Sarraij, trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood).

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với Thủ tướng Sarraj. Để duy trì quyền lợi tại khu vực giàu khí đốt gây tranh cãi tại Địa Trung Hải, Ankara đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho GNA trong các cuộc giao tranh với lực lượng của Tướng Haftar.

Libya nằm ở khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi. Cho đến tháng 1/2020, sản lượng dầu ở đây giữ ổn định ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày, một con số tương đối khả quan so với sản lượng 1,6 triệu thùng/ngày trước khi cuộc nổi dậy năm 2011 nổ ra. Tuy nhiên, những người ủng hộ Tướng Haftar đã ngừng sản xuất dầu từ tháng 1, khiến cho ngân hàng Trung ương ở Tripoli tổn hại hàng tỷ USD doanh thu.

Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp, chiến sự Libya đảo chiều

Xung đột ở Libya bắt đầu nổ ra vào tháng 4/2019 khi Tướng Khalifar Haftar dẫn đầu lực lượng LNA tấn công vào Tripoli, vốn đang là nơi đặt trụ sở của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận. Cuộc chiến này leo thang căng thẳng khi Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và một số nước láng giềng can thiệp vào nhằm định hình tương lai của quốc gia thành viên trong OPEC giàu tài nguyên dầu mỏ này. Nguy cơ về một cuộc xung đột trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh nhằm chống lại lực lượng từ Ai Cập và Nga ngày càng tăng cao.

Với sự hậu thuẫn từ các lực lượng bên ngoài, Tướng Haftar dường như chuẩn bị tiến vào thủ đô Tripoli nhưng sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm đảo chiều cuộc chiến. Ankara đưa các máy bay không người lái, hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không, tàu khu trục nhỏ và hàng nghìn tay súng Syria tới Libya khiến lực lượng LNA chịu tổn thất lớn trước lực lượng GNA được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Hiện nay, lực lượng của Tướng Haftar phải lui về Sirte và căn cứ không quân Juffa ở miền trung Libya.

Các lực lượng của GNA đã giành lại sân bay ở Tripoli cùng với tất cả các ngả đường quan trọng ra và vào thành phố. Trên đà thắng lợi, quân đội GNA cũng tiến về phía đông với tuyên bố sẽ giành lại Sirte mà Tướng Haftar giành được từ năm ngoái. Nếu giành được thành phố chiến lược này, các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ có thể tiếp tục tấn công về phía tây và có khả năng giành được các mỏ dầu quan trọng do Tướng Haftar kiểm soát.

Sau khi GNA ký thỏa thuận an ninh và hàng hải với Thổ nhĩ Kỳ vào năm ngoái, Ankara đã tăng cường ủng hộ về mặt quân sự cho chính phủ Tripoli nhằm giúp GNA kiểm soát khu vực tây bắc Libya.

Hơn 2.000 người đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc giao tranh ở Tripoli thời gian qua.

“Lời tuyên chiến” của Ai Cập?

Quốc hội Ai Cập hôm 20/7 đã thông qua việc triển khai quân đội ngoài lãnh thổ nước này, một động thái có thể khiến cuộc chiến ở Libya thêm phức tạp sau khi Tổng thống Ai Cập đe dọa sẽ sử dụng hành động quân sự chống lại các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ ở quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ này.


Tướng Ai Cập Mamdoh Shahen trong một phiên tranh luận của Quốc hội Ai Cập về việc có triển khai quân đội tham chiến bên ngoài lãnh thổ hay không. Ảnh: EPA
Việc triển khai quân đội ở Libya có thể khiến Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ - những đồng minh thân cận của Mỹ "trở mặt thành thù" khi 2 bên ủng hộ 2 lực lượng đối lập nhau trong cuộc xung đột.

Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi đã gọi thành phố biển chiến lược Sirte là một "lằn ranh đỏ" và cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào vào thành phố này, vốn gần các mỏ dầu xuất khẩu lớn của Libya sẽ buộc Ai Cập can thiệp vào quốc gia Bắc Phi này để bảo vệ biên giới phía tây.

Trong khi đó, lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ liên minh với lực lượng chính phủ Libya được Liên Hợp Quốc công nhận ở thủ đô Tripoli đang được huy động tới Sirte và tuyên bố sẽ giành lại thành phố bên bờ Địa Trung Hải này, cùng với căn cứ không quân Jufra từ các lực lượng do Tướng Haftar lãnh đạo. GNA cũng chỉ trích đe dọa can thiệp quân sự của Ai Cập vào Libya là một "tuyên bố chiến tranh".

Anas el-Gomati, giám đốc Viện nghiên cứu Sadeq đặt tại Tripoli nhận định, Ai Cập đang lo ngại về việc mất đi tầm ảnh hưởng tại Libya: "Nếu GNA và Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy hợp tác với nhau, Ai Cập lo ngại sẽ mất đi tầm ảnh hưởng cũng như việc Tướng Haftar mất quyền kiểm soát nguồn dự trữ dầu quan trọng".

Nguy cơ xung đột Ai Cập – Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya

Nếu Ai Cập can thiệp quân sự vào Libya, nước này có thể nhanh chóng khiến GNA quay trở về thế phòng thủ, trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường đáng kể hiện diện quân sự tại Libya.

Hồi tháng 6, Ankara đã điều một số chiến đấu cơ F-16 bay dọc Địa Trung Hải và tiến hành tập trận trong 8 tiếng ở ngoài khơi cách bờ biển Libya 2.000 km. Động thái này là một minh chứng rõ ràng cho thấy khả năng can thiệp vào cuộc xung đột Libya của không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể yểm trợ thêm và bảo vệ lãnh thổ do GNA kiểm soát khỏi các cuộc tấn công của chiến đấu cơ Ai Cập.

Dù vậy, nếu Cairo thực sự can thiệp quân sự vào Libya, Ankara sẽ cần huy động một lực lượng đáng kể, bên cạnh các máy bay không người lái.

Trên thực tế, Ai Cập vẫn có lợi thế lớn hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ về mặt quân sự. Theo Forbes, bảng xếp hạng sức mạnh quân sự năm 2020 cho thấy khả năng quân sự của Ai Cập mạnh hơn Thổ Nhĩ Kỳ khi Cairo xếp thứ 9 còn Ankara đứng thứ 11.

Tuy nhiên, mặc dù đều có những tuyên bố cứng rắn nhưng dường như cả Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đều nghiêng về giải pháp đàm phán ngoại giao hơn bởi hai bên đều hiểu, nếu xung đột Libya biến thành cuộc chiến ủy nhiệm đẫm máu, họ sẽ phải trả cái giá vô cùng lớn./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/can-thiep-vao-libya-ai-cap-va-tho-nhi-ky-dang-cham-ngoi-chien-tranh-1073076.vov - theo vov.vn