“Căn bệnh” nào đang giết chết những người Mỹ da đen?

08:47 04-06-2020

VOV.VN - Người Mỹ da đen có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người da trắng. Covid-19, bạo lực cảnh sát hay phân biệt chủng tộc, đâu mới là lý do?

Các bác sỹ, các chuyên gia y tế có thể sẽ nói rằng, so với người da trắng, người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tử vong sớm hơn vì nhiều căn bệnh: bệnh tim, đột quỵ, Covid-19, bạo lực.
Theo những nghiên cứu về tình trạng mất bình đẳng sắc tộc trong lĩnh vực y tế, phân biệt chủng tộc, dù không ở tình trạng công khai hay hình thức được gọi tên, nhưng bản chất của nó lại đang đan xen trong các thể chế của nước Mỹ, đang tác động tới 44 triệu người da màu ở Mỹ khiến cuộc sống của họ có nguy cơ bị rút ngắn.


Làn sóng biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd. Ảnh: Reuters
Căn bệnh ăn mòn cả thể chất lẫn tâm lý

Đối với một số người, trong đó có cả công dân Minneasota George Floyd, nó gây ra cái chết sớm, thậm chí chỉ trong vòng vài phút. “Cuối cùng thì chính sự phân biệt chủng tộc là nguồn gốc”, theo Giáo sư Georges Benjamin, Giám đốc điều hành Tổ chức Y tế Cộng đồng Mỹ.

“Phân biệt chủng tộc tấn công sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đó vẫn đang diễn ra và cần có sự quan tâm của chúng ta ngay bây giờ”, Benjamin nói.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang càn quét nước Mỹ, Benjamin và những người khác lo ngại khi những đám đông biểu tình chật kín trên các đường phố sau vụ sát hại người da đen không vũ trang, thì chính những người da màu sẽ lại chịu đựng một lần nữa gánh nặng bất cân xứng từ nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Đó là một sự đánh đổi, họ biết điều đó. Nhưng họ gần như chẳng còn lựa chọn nào khác.

“Trong suốt mấy tháng qua, tôi không ngừng kêu gọi mọi người hãy bảo vệ chính mình, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và cứu lấy những sinh mạng. Tuy nhiên sau cái chết của Floyd, tôi nhận ra rằng, rủi ro lớn nhất đối với mình không phải là Covid-19, mà là màu da của tôi”, Giáo sư Clyde W. Yancy, bác sỹ chuyên khoa tim tại Đại học Northwestern và cũng là một người Mỹ gốc Phi, nói.

Atheendar Venkataramani, một bác sỹ nội khoa và là nhà nghiên cứu chính sách y tế tại Đại học Pennsylvania, đã nghiên cứu về tác động của sự thất vọng đối với sức khỏe của người dân Mỹ.

Nhóm của ông nhận thấy có sự thay đổi về sức khỏe tâm thần của người Mỹ sống ở những bang có ít nhất 1 trường hợp cảnh sát làm chết người da đen không có vũ khí trong tay.

Trong khoảng 3 tháng sau những cái chết đó, nhóm của Venkataramani nhận thấy có sự suy giảm rõ rệt về sức khỏe tâm thần ở những người Mỹ da đen.

Sức khỏe tâm thần của người Mỹ da trắng không bị tác động trong những vụ việc cảnh sát làm chết người da đen dù nạn nhân có vũ khí trong tay hay không. Phát hiện này được đăng tải trên tạp chí y khoa Lancet năm 2018.
Phân biệt chủng tộc là một độc tố

Nói về làn sóng biểu tình hiện nay, Venkataramani cho rằng, họ gần như không có lựa chọn nào khác. Các vấn đề kinh tế, xã hội và sức khỏe của người Mỹ gốc Phi đã bị phớt lờ.

“Làm sao anh có thể không ra ngoài kia để kêu gọi sự chú ý đến những vấn đề này?”, Venkataramani

Trong ngôn ngữ y khoa, phân biệt chủng tộc là một loại độc tố. Giống như bầu không khí bị ô nhiễm, căng thẳng kinh niên và suy dinh dưỡng, tất cả những điều vốn thường xuất phát từ bất bình đẳng sắc tộc. Tác động của phân biệt chủng tộc là ăn mòn dần dần.

Một trẻ em Mỹ gốc Phi sinh ra vào năm 2017 có tuổi thọ ngắn hơn 3,5 năm so với một trẻ sơ sinh da trắng. Nếu tình trạng bất bình đẳng hiện nay vẫn còn tồn tại, khả năng đứa trẻ da đen sống trong nghèo đói sẽ cao hơn gần 2,5 lần, khả năng phải bỏ học trước khi tốt nghiệp trung học cao gấp gần 2 lần và khả năng bị tống giam cao gấp 6 lần so với một đứa trẻ da trắng.

Cùng với đó, người Mỹ gốc Phi cũng thường sống trong những gia đình nghèo hơn, ít được tiếp cận với nguồn thực phẩm lành mạnh và có nguy cơ phơi nhiễm với ô nhiễm môi trường và tội phạm bạo lực cao hơn so với những người da trắng tương tự. Anh/cô ấy sẽ nhiều khả năng mắc phải các bệnh như béo phì, hen suyễn, bệnh tim và huyết áp cao hơn.

Trong những tháng gần đây, những sự bất bình đẳng như thế này đã góp phần vào tỷ lệ tỷ vong do Covid-19 cao hơn thấy rõ ở những người Mỹ gốc Phi so với người Mỹ da trắng.

Các số liệu khảo sát của Đại học Johns Hopkins cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh ở các quận có phần đông người da đen cao gấp 3 lần các quận có phần đông người da trắng và tỷ lệ tử vong là cao gấp 6 lần.

Cả ở California và New York, những người Mỹ gốc Phi cũng chiếm phần đông trong số các ca tử vong do Covid-19.

Bridget Goosby, một nhà xã hội học thuộc Đại học Texas nghiên cứu sự chênh lệch trong lĩnh vực y tế, nói rằng, dịch Covid-19 đã khiến nhiều cộng đồng người Mỹ gốc Phi rơi vào tình trạng đặc biệt kiệt quệ.

Các “công nhân thiết yếu” trong những ngành nghề được trả lương thấp chủ yếu là những người da màu. Họ thường là tài xế chở hàng, nhân viên bệnh viện, thu ngân cửa hàng rau quả, những công việc khiến họ cảm thấy “bị phơi nhiễm” một cách không công bằng, nguy hiểm hơn so với người da trắng.

Đối với nhiều người, những cảm nhận đó có thể thấy rõ bởi những câu chuyện tương tự như Deborah Gatewood, một người Mỹ gốc Phi ở Detroit đã chết sau khi bệnh viện nơi cô làm việc suốt 31 năm đã 4 lần từ chối để cô được xét nghiệm Covid-19.

Ở nhiều bang, phải mất nhiều tháng giới chức mới bắt đầu thu thập dữ liệu để làm rõ mối nghi ngờ rằng: dịch bệnh Covid-19 đang tác động tới những người da đen so nặng nề hơn nhiều với so với người da trắng.

Giữa tháng 5/2020, dữ liệu từ Cơ quan cảnh sát thành phố New York cho biết, 93% những vụ bắt giữ mà họ thực hiện để đảm bảo quy tắc giãn cách xã hội là người da đen và người gốc Latin.

Cái chết của George Floyd chỉ là que diêm ném thêm vào ngọn lửa của sự thất vọng. Đối với những người đã quan tâm tới vấn đề này từ đầu, “mọi chuyện chẳng có gì là ngạc nhiên”, Goosby nói./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/can-benh-nao-dang-giet-chet-nhung-nguoi-my-da-den-1055518.vov - theo vov.vn